Con mèo trong ca dao, thành ngữ

  • Ngày xuân nhấp chén trà thơm, khề khà đọc lại đôi vần ca dao, thành ngữ có liên quan đến hình ảnh người bạn nhỏ có tên gọi là “Mèo” và ngẫm nghĩ chuyện mình, chuyện đời… thiết tưởng con mèo năm Tân Mão cũng đã mang lại lắm điều thú vị thay.

Từ hàng ngàn năm nay, mèo là con vật được thuần dưỡng và nuôi trong nhà. Với gia đình này nó là con vật kiểng, nuôi để làm sang, với gia đình kia nó con thú săn mồi, nuôi để bắt lũ chuột phá phách. Dù nuôi với mục đích gì thì  mèo cũng là con vật gần gũi, gắn bó, thậm chí là buồn vui cùng với sự buồn vui của chủ nuôi. Con người xem con mèo như là người bạn nhỏ đáng quý. Và tất nhiên trong quá trình sống, gắn bó, tình nghĩa lâu dài như vậy, con người cũng đã đưa con mèo đi vào ca dao, thành ngữ với nhiều sắc thái và cung bậc khác nhau liên quan đến đặc điểm, tính cách và lối sống của người bạn nhỏ hiền lành nhưng cũng rất dũng mãnh này.

          Trước hết xin được nói đến mối tương quan giữa mèo và những con vật sống gần người như là ngựa, chó và chuột, mà có lẽ nổi tiếng và phổ biến nhất là mấy câu ca dao sau đây:

Con mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo.

          Vóc dáng nhỏ hơn chó, nên mèo thường được bênh vực khi có sự đụng chạm với người bạn chó trong nhà. Thậm chí những tai vạ do mèo gây ra chó cũng phải gánh chịu một cách oan ức trước cơn thịnh nộ của con người:

Con mèo đánh vỡ nồi rang
Con chó chạy lại phải mang lấy đòn.

          So với người bạn ngựa khổng lồ nhọc nhằn xuôi Nam, ngược Bắc cùng với chủ nhân, con mèo chỉ quanh quẩn trong nhà với tính cách lười biếng của mình:

Con mèo nằm bếp ro ro
Ít ăn nên mới ít lo, ít làm
      Con ngựa đi Bắc về Nam
Mạnh ăn nên phải mạnh làm, mạnh lo.

          Và chủ nhân là con người lại có lúc chọn mèo làm sinh lễ cưới xin  thay cho loại sính lễ thường lệ là heo. Điều này tùy theo “cái duyên” của đối tượng ra sao. Việc “ngã giá” thật là nôm na và hình tượng:

Còn duyên anh cưới ba heo

Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi…

            Những tính cách riêng biệt của mèo cũng có nhiều điểm tốt, xấu mà con người lấy đó làm gương học tập hay răn đe kẻ khác:

Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi

Vợ anh đẹp lắm, đuổi ruồi không bay. 

          Bản chất tốt, xấu ấy của mèo còn được thể hiện rõ hơn và rất nhiều trong những câu thành ngữ mà con người so sánh một cách ví von với tính cách và hành động của chính mình:

          – Ăn nhỏ nhẻ như mèo: Ý nói ăn uống từ tốn. Cô gái ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết tốt.

            Chó giữ nhà, mèo bắt chuột: Sự phân công hợp lý và có chuyên môn trong công việc thường ngày.

          – Mèo nhỏ bắt chuột con: Ý nói làm việc phù hợp với khả năng của mình thì sẽ thành công.

Rình như mèo rình chuột: Chỉ sự kiên nhẫn, ẩn mình đợi lúc ra tay.

          – Giấu như mèo giấu cứt: Chê sự giấu diếm, che đậy quá kỹ lưỡng của một ai đó.

          – Không chó bắt mèo ăn cứt: Chỉ sự dùng người không đúng với sở trường nên có thể làm hỏng việc.

          – Mèo khen mèo dài đuôi: Chỉ sự tự đề cao hay tự khen ngợi mình một cách quá đáng.

          –  Mèo vật đụn rơm: Ý nói tài trí hèn mọn mà làm việc lớn lao.

          – Như mèo thấy mỡ: Ý giễu cợt người tỏ vẻ thèm muốn trước một điều gì đó.

          Một khi con mèo rời xa con người sống lang thang đâu đó, thì đấy là hình ảnh luôn bị chê bai. Điều đó cũng giống như là con người:

          – Mèo mả gà đồng: Chỉ hạng người vô lại, trai thì trộm cướp, gái thì lăng loàn.

          – Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm: Ý chê người phụ nữ có tính xấu, không chăm lo việc gia đình.

          Hay:

Mèo hoang lại gặp chó hoang

Anh đi trộm bắp gặp nàng trộm khoai!

          Mèo trong một trạng thái nào đó, như bị cụt đuôi chẳn hạn là biểu tượng của sự âm thầm và cô đơn lặng lẽ:

                    Người ta năm bảy vợ theo

Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi! 

Mèo là hình ảnh của sự quẩn quanh, không thoát ra khỏi nhà:

            Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Và khi trong mối quan hệ người – người giữa mẹ chồng và nàng dâu không thuận thảo, không thương yêu, không kính nhường nhau, thì mèo và tất nhiên là cả chuột cũng đã được đưa vào để so sánh:

Mẹ chồng đối với nàng dâu

Như mèo với chuột thương nhau bao giờ!

         

MAI HỮU PHƯỚC

Bình luận về bài viết này