Năm Ngọ nói chuyện ngựa

Giap ngo_200(Nhàn đàm)

        Nếu cuộc đua 12 con giáp chuột (tý), trâu (sửu), cọp (dần), mèo (mão), rồng (thìn), rắn (tỵ), ngựa (ngọ), dê (mùi), khỉ (thân), gà (dậu), chó (tuất), heo (hợi) phân ngôi theo thứ tự lần lượt này, thì xem ra con ngựa cũng chậm chân lắm thay! Nhưng dù cho con ngựa có “lười biếng” trong cuộc đua tài đầy mưu mẹo để về nhóm giữa, thì hình ảnh ngựa phi vẫn là một hình ảnh đẹp. Tiếng vó ngựa dập dồn là âm thanh sinh động, đầy hấp dẫn và không kém phần lãng mạn. Bờm ngựa tung bay, ẩn hiện lờ giữa đám bụi đường xa luôn làm mê đắm những trái tim phiêu lãng, tang bồng.


           Nguồn gốc loài ngựa

Các nhà khảo cổ học cho rằng loài ngựa cao to hiện nay có Tổ tiên là một loài ngựa hoang bé tí, chân trước có 4 ngón, chân sau có 3 ngón, nặng chừng 4kg và cao không quá 30cm. Với kích thước này, một con ngựa không khác gì một con… chó nhỏ. Tuy nhiên, nhờ có đôi chân sau dài hơn đôi chân trước, phóng nhanh hơn cả loài thỏ, nên trên các đồng cỏ dòng họ ngựa là một đoàn vận động viên “lủi” tầm cỡ so với các loài động vật có cùng kích thước. Tổ tiên loài ngựa có mặt trên trái đất cách đây khoảng 45 triệu năm. Di tích hóa thạch ở nhiều nơi trên thế giới nhất là ở các khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Âu đã chứng minh cho sự tiến hóa vượt trội của loài động vật này. Từ vóc dáng của một chú cún con, loài ngựa đã được thiên nhiên chọn lọc phát triển cả về chiều cao, chiều dài và cân nặng. Quá trinh biến đổi đó cũng làm thay đổi bàn chân ngựa từ nhiều ngón chỉ còn lại một ngón duy nhất để phù hợp hiện tượng sa mạc hóa làm cho mặt đất cứng và khô cằn. Bàn chân ngựa chỉ một ngón là sự chọn lựa tối ưu của tạo hóa để loại vật này phi nhanh như… bay qua những bình nguyên xanh phẳng hay núi đồi cằn khô, trơ trọi.   Ngày nay, Tổ tiên của loài ngựa gần như tuyệt chủng. Hầu hết ngựa hoang trên thế giới hiện nay thật ra là loài ngựa nhà đã được thuần chủng bị bỏ hoang hoặc được thả rông nuôi trong môi trường hoang dã và trở thành… ngựa hoang.

          Ngựa trong đời sống con người

Khoảng 30 triệu năm trước, khi khí hậu và môi trường trái đất biến đổi theo hướng bất lợi. Loài ngựa rơi dần vào hố sâu của sự tuyệt chủng. Nhưng may thay, nó lại được làm bạn với con… người. Khi phát hiện ra các đặc tính đẹp “mã”, nhanh nhẹn, dẻo dai và trung thành của loài ngựa, con người đã nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển chúng thành con đàn cháu đống. Có thể nói không ngoa rằng, chừng nào còn con người, chừng đó sẽ còn con… ngựa. Ngựa sống thọ khoảng 30 – 40 năm, hạn hữu kéo dài đến 60 năm. Thời gian mang thai của ngựa mẹ là 11 tháng 10 ngày và sinh mỗi lần chỉ một con. Ngựa con trải qua 2 – 4 năm để bước vào “tuổi” trưởng thành.

Ngựa và người từ xa xưa đã gắn bó mật thiết trong đời sống hằng ngày. Nhờ có ngựa mà con người đi được những bước dài hơn và vượt qua những khoảng cách xa hơn với một thời gian ngắn. Ngựa cũng là phương tiện vận chuyển đồ đạt và bản thân con người trên dặm đường sương gió cho đỡ nỗi nhọc nhằn, vất vả. Với các chiến binh xưa, ngựa là phương tiện chiến đấu với tính thần tốc chiến, tốc thắng. Nó như là người bạn hiền của những kỵ mã nằm gai nếm mật bảo vệ những miền biên thùy xa xôi. Nhiều câu chuyện kể về loài ngựa cứu chủ hoặc mang người chủ đã bị trọng thương từ nơi nguy hiểm về đến nơi an toàn làm xúc động lòng người.

          Ngựa trong thi ca Việt Nam

Sống gần gũi, gắn bó với con người, lại là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp, sự hào hùng và lòng trung thực nên con ngựa từ đời sống đã bước vào thi ca bình dân, kể cả thi ca bác học một cách trang trọng. Khi ca ngợi bản lĩnh của những con người tài năng, người ta không ngại mượn hình ảnh con ngựa để ví:

                              “Ngựa hay chẳng quản đường dài

                    Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng.”

Tình yêu, sự thủy chung của những đôi trai gái cũng có bóng dáng của những con ngựa hiền hòa, chăm chỉ:

                    “Đường dài ngựa chạy biệt tăm

                    Người thương có nghĩa trăm năm cũng về”.

Hoặc:                     “Sông sâu ngựa lội ngập kiều

                    Dầu anh có phụ còn nhiều người thương.”

Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã có đến hơn 20 lần mượn bóng dáng… ngựa để mô tả nhiều trạng thái khác nhau của sự vật, sự kiện và con người. Do giới hạn của bài viết nên chỉ xin nêu vài câu tiêu biểu, đọc lên dễ khiến cho tâm trạng ngơ ngẩn, bồi hồi:

                                   “Buồng không lặng ngắt như tờ

                    Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.”

Hoặc:                     “Người lên ngựa, kẻ chia bào

                    Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”

Hoặc:                    Được lời như mở tấc son

                    Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.

                             Long lanh đáy nước in trời

                    Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng…

          Ngựa trong Y học

Trong y học, có một số bệnh mang “danh” ngựa mà mọi người thường hay nói là chứng thượng mã phong và bệnh cam tẩu mã. Chứng thượng mã phong, hiểu nôm na là… “chết trên lưng ngựa”, dùng để chỉ một căn bệnh mang tính “bí mật” của buồng the mà nhiều người hay kể lúc trà dư tửu hậu, mặc dầu chưa có ai thấy bao giờ. Cam tẩu mã là bệnh viêm hoại tử ở lợi răng, rồi lan nhanh ra niêm mạc miệng, đục thủng má, môi, mũi… Bệnh này gặp ở trẻ nhỏ có thể trạng suy kiệt và diễn tiến bệnh nhanh như ngựa phi (tẩu mã) khiến cho thầy thuốc không kịp trở tay.

Các sách Đông Y chép rằng, thịt ngựa (mã nhục) có vị đắng, tính cay, nóng và có… độc. Mã nhục dùng để chữa các bệnh rụng tóc, lở đầu, tê bại, đau lưng và gia tăng sức mạnh của gân cốt. Xương ngựa đem nấu thành cao, gọi là… cao xương ngựa, có tác dụng bổ xương, bồi dưỡng và chống lại sự mỏi mệt, rã rời của cơ thể.

Có một loài “ngựa” sống ở dưới… nước mà quý ông và quý bà thường để mắt quan tâm. Đó là cá ngựa! Cá ngựa còn có tên là hải mã (ngựa biển) hoặc thủy mã (ngựa nước). Đem phơi khô loài ngựa nước này, rồi ngâm rượu uống, thiên hạ chỉ còn biết rỉ tai nhau là “ông uống bà… khen” mà thôi! Thực tế thế nào, ai “vào” nấy biết…

MAI HỮU PHƯỚC

Bình luận về bài viết này